Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG CỘNG NHẬN LÀNG NGHỀ CHÈ LAM - BÌNH SƠN

2023-02-20 10:17:00.0

Làng nghề chè Lam - Bình Sơn, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai có địa chỉ tại xóm Lam Sơn và xóm Bình Sơn xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

- Tổng số dân cư của làng: 1.139 khẩu (Lam Sơn: 620 khẩu; Bình Sơn: 519 khẩu).

- Thành phần dân tộc: Có 4 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn (Kinh, Tày, Dao, Mông).

- Tổng số lao động trong làng: 650 lao động.

- Tổng số lao động tham gia nghề: 266 lao động.

- Thu nhập bình quân: 65 triệu/hộ/năm.

- Thu nhập bình quân từ nghề: 35 triệu/hộ/năm.

- Tỷ lệ hộ nghèo tham gia làng nghề: 1 hộ/91 hộ, tương đương 1,09%

Làng nghề chè Lam - Bình Sơn, xã Cúc Đường có tiềm năng và lợi thế về đất đai đó là hệ thống đất canh tác trên địa bàn xóm chủ yếu là đất đỏ vàng trên phiến thạch sét, thành phần cơ giới là đất thịt, độ PH đất từ 4,5 – 5,5 độ dốc trung bình từ 8 – 25 độ, khí hậu nóng ẩm, mùa mưa từ tháng 4 đến hết tháng 10, nhiệt độ trung bình khoảng 23 – 300C cùng với nguồn tài nguyên nước nhiều tại con suối Nhò và trong các khe rạch, với nguồn nước sạch, mát, rất thích ứng, phù hợp cho phát triển cây chè. Sau khi cây chè được trồng trên đất của xóm và bước đầu cho hiệu quả, nhận biết được cây chè, sản phẩm chè là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, không những vậy trồng chè còn có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống sói mòn, rửa trôi bền vững và hiệu quả, hoàn toàn phù hợp với đất đai, khí hậu và địa hình của xóm, vì vậy phát triển cây chè còn có ý nghĩa về ổn định đời sống, định cư cho người dân trong xóm.

Từ nhiều năm nay cấp ủy, chính quyền xã đã có định hướng xác định cây chè là cây thế mạnh, mũi nhọn của làng và tích cực tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè và phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ người dân về thay thế giống chè cũ năng suất thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè trên 1 đơn vị diện tích canh tác. Các cơ quan chuyên môn cũng đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền tại cơ sở, do vậy sản phẩm chè của người dân trong làng đã đạt được những yêu cầu cơ bản như: Nước xanh, hương thơm, vị đặc trưng của từng giống chè, vị ngon ngọt, đậm đặc trưng của sản phẩm chè Thái Nguyên.

Phát biểu tại buổi lễ, Đồng chí Nguyễn Xuân Tùng - Phó chi cục trưởng chi cục phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của bà con nơi đây trong quá trình đưa cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn tại địa phương. Đồng thời đề nghị, thời gian tới lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Cúc Đường cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người trồng chè đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm từng bước nâng cao thu nhập cho bà con trên địa bàn.

Hoàng Minh Trọng - Bí thư Đoàn xã Cúc Đường
Tuổi trẻ Cúc Đường