Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

CHUYỂN MÌNH TRÊN QUÊ HƯƠNG CÁCH MẠNG

2024-03-21 11:07:00.0

Võ Nhai tự hào là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi đã sinh ra biết bao thế hệ Anh hùng. Quân và dân Võ Nhai với truyền thống dựng làng, giữ bản, trải qua bao đời đoàn kết chống giặc ngoại xâm, đấu tranh kiên cường bất khuất vì độc lập, tự do của dân tộc, hình thành nên mảnh đất, con người Võ Nhai nhân nghĩa, ân tình, thuỷ chung son sắt, một lòng theo Đảng. Tự hào với truyền thống hào hùng của quê hương, ngày nay với sự cố gắng và nỗ lực vươn lên, diện mạo, đời sống của nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai đã có nhiều đổi thay, từng ngày phát triển đi lên.

Ngược dòng lịch sử, vào mùa xuân năm 1937, tại xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai đã ra đời, gồm 03 đồng chí: Chu Văn Tấn, Lục Văn Đủ và Nông Văn Cần. Một thời gian sau, kết nạp thêm các đồng chí: Chu Viết Phong, Chu Quốc Hưng, Lê Dục Tôn… Thời gian này, đồng chí Đặng Tùng (đảng viên trong chi bộ hải ngoại được phân công về Thái Nguyên hoạt động) đã về Võ Nhai trực tiếp chỉ đạo cách mạng và lấy nơi này làm trung tâm chỉ đạo phong trào cách mạng ở nơi khác. Từ đây, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến của nhân dân các dân tộc Võ Nhai đã có tổ chức Đảng ở địa phương trực tiếp lãnh đạo… Ngày 23/02/1941, tại Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn;  Đội Du kích Bắc Sơn phát triển thành Cứu Quốc quân, làm lực lượng nòng cốt bảo vệ khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, ngày 15-9-1941, Đội Cứu Quốc quân II ra đời tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá. Ngày 11-3-1945, Ban Chỉ huy Cứu Quốc quân và Đảng bộ địa phương triệu tập hội Nghị tại Làng Phật (Phú Thượng) để phân tích, đánh giá tình hình, chuẩn bị giành chính quyền. Cứu Quốc quân được giao trọng trách đánh chiếm các vị trí đóng quân của địch, tước khí giới để trang bị cho nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Đến ngày 21-3-1945, lực lượng Cứu Quốc quân cùng với nhân dân đánh chiếm, giải phóng châu lỵ La Hiên, thành lập Chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong tỉnh. Sau sự kiện giành được chính quyền tại Châu lỵ La Hiên - Chính quyền cấp huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, các cơ quan, tổ chức Đảng trên địa bàn huyện Võ Nhai lần lượt ra đời và phát triển gắn liền với lịch sử của ngày 21/3. Trải qua nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, tổ chức bộ máy các các cơ quan ở huyện ngày càng được kiện toàn. Những cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, chính quyền qua các thời kỳ ở huyện Võ Nhai đều là những người đạt chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có nhiều kinh nghiệm trong công tác.

Ghi nhận về công lao của quân và dân huyện nhà, huyện Võ Nhai và 5 xã: Phú Thượng, Tràng Xá, Lâu Thượng, La Hiên, Liên Minh đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Toàn huyện có 91 đồng chí lão thành cách mạng, 13 đồng chí cán bộ tiền khởi nghĩa; 27 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhằm phát huy và lưu giữ những giá trị lịch sử, nhiều năm qua, các địa điểm di tích như nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện, nơi thành lập chính quyền cách mạng huyện đều đã được công nhận là dich tích lịch sử cấp tỉnh. Được tu sửa, tôn tạo khang trang và trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện. Đặc biệt cũng là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của người dân địa phương. 

Trải qua những năm tháng hào hùng, hôm nay trên mảnh đất cách mạng Võ Nhai đã và đang có nhiều đổi thay rõ rệt.  Đối với công tác xây dựng đảng,  hiện nay, Đảng bộ huyện Võ Nhai đã có 32 chi đảng bộ cơ sở trực thuộc, trong đó có 21 Đảng bộ, 11 Chi bộ cơ sở với trên 5 nghìn đảng viên. Trong điều kiện có những khó khăn nhất định, song các tổ chức đảng cũng như các cơ quan ở Võ Nhai đã luôn bám sát nhiệm vụ, chủ động tham mưu, đề xuất những chủ trương, chính sách giúp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác trên các lĩnh vực. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết các cấp thành hành động cụ thể một cách kịp thời.Việc quản lý cán bộ được đảm bảo chặt chẽ theo phân cấp; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các chính sách về công tác cán bộ...được thực hiện thường xuyên, đảm bảo kịp thời đúng quy định...Ngoài việc đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tư duy quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ thì huyện Võ Nhai cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên. Riêng năm 2023, Đảng bộ huyện Võ Nhai đã kết nạp 169 đảng viên mới, đạt 138% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII đề ra.

Sự thay đổi ở huyện Võ Nhai những năm gần đây cũng phải nói đến việc triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển KT - XH . Chủ trương quy hoạch lại vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất canh tác đã đem lại nhiều kết quả. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang phát triển sản xuất hàng hoá, Nhân dân đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao và đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đáng chú ý là sau gần 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện có 7/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với phát triển nông nghiệp, đầu tư xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư cũng được huyện Võ Nhai đặc biệt quan tâm. Các cụm công nghiệp như Trúc Mai, Cụm Công nghiệp Cây Bòng  hoạt động hiệu quả đã góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án trọng điểm của huyện cũng đang được triển khai thực hiện, góp phần làm thay đổi kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, huyện đã tập trung phát triển thế mạnh về du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn như: Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (xã Phú Thượng); khu di tích Khảo cổ học thời đại đồ đá cũ Mái đá Ngườm (xã Thần Sa); địa điểm thành lập Trung đội Cứu quốc quân II tại rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá)...

 Huyện Võ Nhai đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025: Một là tiếp tục huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đên hết năm 2025 huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hai là tích cực, chủ động triển khai thực hiện và phấn đấu hoàn thành xây dựng đô thị mới đối với xã La Hiên. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với huyện vùng cao Võ Nhai. Ba là phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06; Đề án phát triển nông lâm nghiệp và Đề án phát triển du lịch của huyện; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, công tác quản lý và bảo vệ rừng, trách nhiệm thực thi công vụ,... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Trải qua suốt chiều dài lịch sử, Võ Nhai hôm nay đã có nhiều đổi mới và không ngừng phát triển, đó là thành quả của bao thế hệ dày công vun đắp trên mảnh đất này. Tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống lịch sử và cách mạng, với tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai quyết tâm phấn đấu dựng quê hương Võ Nhai sớm trở thành huyện Nông thôn mới trong thời gian không xa.

Thu Viền - Hữu Được (Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện)